Bạn đam mê khởi nghiệp và theo dõi không thiếu tập Shark Tank nào nhưng chưa hiểu Startup sẽ trải qua các vòng gọi vốn gì? Seed Round, Series A, Series B hay IPO khác nhau ra sao? Vậy thì hãy để DKSoft giúp bạn nhìn bức tranh tổng thể ở mức độ dễ hiểu và sinh động nhất.
Đầu tiên, bạn cần hiểu dù vốn không phải là yếu tố tạo nên thành công, nhưng vốn chính là “máu” của startup. Nếu xem các yếu tố như ý tưởng độc đáo, thời điểm vàng, đội ngũ vận hành giỏi là khung xương cho Startup thì rõ ràng nếu thiếu nguồn vốn - “máu” nuôi thì không Startup nào tồn tại được.
Thứ hai, đặc trưng của Startup khác với các SMEs khi gọi vốn là ở cách xác định giá trị doanh nghiệp (định giá - valuation). Thay vì định giá dựa trên doanh thu, lợi nhuận với những con số tăng trưởng đo đếm được như SMEs, định giá Startups (đặc biệt ở những vòng đầu tiên) sẽ muôn hình vạn trạng. Từ ý tưởng, tiềm năng phát triển, định hướng kinh doanh đến năng lực của Founder,... tất cả đều có thể đưa ra cân nhắc
Khuôn khổ bài viết này sẽ chỉ tập trung ở việc khi nào phải bơm thêm “máu" và ở mỗi giai đoạn thì ai là người sẽ bơm “máu” cho Startup của bạn. Câu chuyện định giá Startup và doanh nghiệp như thế nào để không “ngáo giá" sẽ bàn ở các bài viết sau hoặc để cho nhanh bạn có thể liên hệ các chuyên gia phân tích của B3SHARK.
Bắt đầu nhé
Giả sử bạn có 1 Startup. Bạn được đầu tư $15.000 từ gia đình và bạn bè. 3 tháng sau, bạn nhận được thêm $200.000 từ Nhà đầu tư thiên thần (Angel Investor). 6 tháng tiếp theo, bạn gọi được thêm 2 triệu USD từ 1 Quỹ đẩu tư mạo hiểm (Venture Capital). Tiếp tục giả sử mọi thứ diễn ra thuận lợi, doanh nghiệp của bạn sẽ trải qua các giai đoạn như infographic dưới.
Đối lập với khái niệm ‘funding’ là ‘bootstrapping’, nghĩa là các công ty startup phát triển dựa vào nguồn vốn nội lực. Một vài công ty điển hình cho mô hình này là MailChimp và AirBnB.
Mỗi lần kêu gọi đầu tư, bạn sẽ phải chia sẻ 1 phần lợi nhuận - ở đây gọi là cổ phần. Khi startup của bạn càng phát triển, số tiền kêu gọi đầu tư càng nhiều thì lượng cổ phần và quyền quyết định điều hành bạn phải san sẻ càng nhiều. Tương đương với đó, dù số cổ phần bạn nắm không nhiều, nhưng giá trị của mỗi cổ phần bạn nắm giữ chắc chắn sẽ lớn hơn nhiều so với 100% cổ phần ban đầu của bạn.
Trong 1 số trường hợp thuận lợi, bạn có thể bán hết cổ phần của mình với 1 giá trị rất lớn - hành động này được gọi là EXIT. Có thể lấy trường hợp Ticket Box vừa bán toàn bộ cổ phần cho Tiki là một ví dụ gần nhất.
Các giai đoạn đầu tư
Giai đoạn ý tưởng và tìm Co-founder
Tất cả những gì bạn có trong tay chỉ là 1 ý tưởng hay ho mà bạn tin là có tiềm năng phát triển và một (hoặc 2) người đồng sáng lập (Co-Founder).
Nguồn vốn - “máu" nuôi startup để phát triển sản phẩm giai đoạn sơ khởi đến từ khoản tiền tiết kiệm của 2 bạn. Tỉ lệ cổ phần là 50-50. Lúc này rõ ràng không thể gọi là chia sẻ lợi nhuận vì sản phẩm của bạn chưa thành hình và khả năng thất bại là vô cùng lớn. Thế nên, việc chia đều cổ phần là hoàn toàn công bằng cho cả bạn và người đồng sáng lập.
6 tháng sau, cả 2 cùng hết tiền. Bạn bắt đầu phải nghĩ đến việc tìm nguồn bơm máu để tiếp tục nuôi giấc mơ của mình. Bạn có thể tìm đến các vườn ươm Startup, nhà dầu tư mạo hiểm (Venture Capital) nhưng sẽ vô cùng khó thuyết phục ai đó đầu tư vào dự án còn dang dở của bạn.
Bạn có thể nghĩ ngay đến:
Vòng tiền hạt giống - Gia đình và Bạn bè
Giả sử có 1 người thân của bạn rủng rỉnh tiền và đồng ý “bơm máu" cho bạn. Bạn sẽ nhận khoản tiền là $15.000 để tiếp tục nuôi giấc mơ khởi nghiệp thêm 3 tháng nữa. Đổi lại, bạn phải chia sẻ 5% cổ phần công ty cho người này.
Ở vòng này, bạn bắt buộc phải đăng ký doanh nghiệp hợp pháp, quy định rõ trên giấy tờ tỉ lệ cổ phần của mỗi người. Ngoài ra, bạn nên để dành 20% cổ phần cho 1 khoản ngân sách dự trù nhân lực trong tương lai - gọi là “option pool". Thực tế, bạn có thể bỏ qua phần này, tuy nhiên đây sẽ khoản tiền cần thiết cho các rủi ro phát sinh và thường được các nhà đầu tư đánh giá cao.
Vòng hạt giống - Angel Round/Seed Round
Khi số tiền $15.000 vơi đi nhanh chóng, sản phẩm của bạn bắt đầu thành hình, bạn bắt đầu thăm dò phản ứng của thị trường bằng cách gửi các bản dùng thử đầu tiên. Lúc này, bạn cần nguồn vốn mới để tiếp cận khách hàng, đưa sản phẩm ra thị trường và nhận phản hồi để hoàn thiện. Các lựa chọn bạn có thể có lúc này:
1 - Các vườn ươm doanh nghiệp, quỹ hỗ trợ startup, chương trình tăng tốc khởi nghiệp (gọi là Incubator hoặc Accelerator) – tại đây bạn sẽ được cung cấp tài chính, nơi làm việc và cả hỗ trợ chuyên môn và tất nhiên là vốn. Tuy nhiên, nguồn vốn bạn nhận được từ các tổ chức này sẽ tương đối hạn hẹp.
2 - Angels – Nhà đầu tư thiên thần. Mức đầu tư bình quân ở angel round là khoảng $600,000 - $1.000.000. Tuy nhiên, các ‘thiên thần’ cũng không phải là nhà đầu tư mù quáng, họ chỉ chịu rót $200.000 nếu họ thấy startup của bạn thật sự xứng đáng với mức định giá trước khi gọi vốn (gọi là pre-money valuation) là $1 triệu. Làm sao tính được pre-money valuation? Như đã nói lúc đầu, câu chuyện định giá startup rất dài và tuỳ theo đặc thù mỗi startup sẽ có cách xác định khác nhau. Và bạn cần tính toán thật kĩ trước khi đưa ra con số này.
Tiếp tục câu chuyện “chia sẻ lợi nhuận". Sau khi nhận tiền, bạn phải cam kết % cổ phần của angel trong công ty. Lưu ý là % cổ phần bạn chia cho angel sẽ không phải là 20% nhé.
Cách tính như sau:
Giá trị công ty bạn sau khi gọi vốn thành công (gọi là post-money valuation) là:
$1.000.000 + $200.000 = $1.200.000
% cổ phần mà angel nhận được:
$200.000/$1.200.000 = 16.7%
Bây giờ bạn chỉ còn nắm giữ % cổ phần rất ít? Đừng lo, về giá trị thì số tiền bạn sở hữu sẽ cao hơn ban đầu. Tuy nhiên, quyền lực trong công ty của bạn đã giảm đi kha khá, thế cho nên hãy cẩn trọng khi tìm nhà đầu tư không chỉ có tiền mà còn có cùng tầm nhìn để bạn có thể tin tưởng và tôn trọng.
Vòng Series A
Giai đoạn này, sản phẩm của bạn đã bước qua 2/3 giai đoạn xây dựng và có những tractions đầu tiên (số lượng users, hoạt động thu về doanh thu). Bạn có thể vẫn chưa có lợi nhuận hoặc có nhưng không đáng kể. Cái bạn có là những milestones - mốc thành công bạn đạt được trong dự án của mình, đó có thể là số lượng users, mức tăng trưởng doanh thu, độ phủ trên thị trường... Cái bạn cần là một nguồn vốn lớn hơn để hoàn thiện sản phẩm, ra mắt tính năng mới hoặc mở rộng thị trường.
Vòng series A thường là sự tham gia của các nhà đầu tư mạo hiểm và thiên thần. Angel đã đầu tư cho bạn ở vòng trước sẽ xem xét nguồn vốn họ bỏ ra đã được sử dụng như thế nào và liệu lần đầu tư này có thể đem lại lợi nhuận tốt hơn nữa hay không. Angel có thể rút vốn tại vòng này hoặc không. Ở đây ta giả định là angel giữ nguyên vốn đầu tư ban đầu.
Bạn bắt đầu tiếp cận đến các nhà đầu tư mạo hiểm, VCs (Venture Capitals). Các VCs sẽ cho bạn bao nhiêu? Không dưới $500,000. Giả sử lúc này công ty của bạn được định giá pre-money là $4 triệu, họ quyết định đầu tư cho bạn $2 triệu, công thức tính toán cổ phần của VC và những người đã tham gia trước đó cũng tương tự như angel round:
Nhìn trên infographic lúc này có thể thấy, tỉ lệ cổ phần của bạn, Co-Founder và các nhà đầu tư có sự dịch chuyển đáng kể. Gần 1 nửa % cổ phần của công ty thuộc về các nhà đầu tư và bất cứ quyết định nào bạn muốn thực hiện trong công ty đều không còn đơn giản nữa. Mặc dù vậy, quyền quyết định cuối cùng vẫn là của bạn và Co-Founder - các bạn vẫn đang nắm giữ 51.9% và chưa có nhà đầu tư nào nắm quá 35% cổ phần. Nếu lèo lái đúng hướng và tính toán tài chính hợp lý, bạn hoàn toàn có thể mua lại cổ phần của công ty trong các vòng sau.
Sau vòng Series A, bạn có thể kêu gọi thêm các nhà đầu tư khác, tên gọi các vòng tương ứng sẽ là Series B, C, D…
Vòng series B
Ở vòng series B, ban tiếp tục tìm kiếm sự tham gia của các VCs - quỹ đầu tư mạo hiểm. Số tiền trong giai đoạn này dùng để xây dựng công ty dựa trên những thành công hiện có, với việc mở rộng đội ngũ, không gian địa lý để khám phá các thị trường mới và nhìn chung là mở rộng về mặt quy mô.
Số tiền huy động được ở vòng này có thể lên đến hàng chục triệu USD. Các nhà đầu tư thường chọn lựa kỹ lưỡng để tạo bước nhảy vọt cho startup. Các quyết định mua lại có thể bắt đầu được đặt trong tầm ngắm tiềm năng với các nhà đầu tư.
Vòng series C trở lên
Nếu đi đến vòng này, startup của bạn thực sự đã bước đến thời điểm quan trọng. Công ty của bạn có thể đạt giá trị trên 100 triệu USD và có thể gọi đến 50 triệu USD hoặc thậm chí là 1 tỷ USD ở series C.
Từ thời điểm này, công ty có thể bước vào một cuộc chạy nước rút, gia tăng thị phần và vị trí trên thị trường. Cũng có khả năng lớn là công ty của bạn sẽ nhận được những lời đề nghị mua lại mang tính chiến lược. Việc này có thể đến từ chiêu mộ tài năng, loại bỏ cạnh tranh về người dùng và vị trí địa lý hoặc kết hợp nhiều công ty lại với nhau.
Lúc này, startup sẽ làm việc với các hãng đầu tư lớn nhất hoặc thậm chí là các nhà đầu tư của các tập đoàn. Tuy nhiên, đây cũng có thể là vòng gọi vốn khó khăn nhất với các nhà sáng lập bởi nhà đầu tư sẽ đòi hỏi nhiều hơn và trông đợi một quy trình thẩm định tích cực hơn.
Sản phẩm của bạn rất tốt, mọi việc đi đúng hướng, mang lại lợi nhuận, sau nhiều vòng đầu tư, bạn quyết định công khai doanh nghiệp, niêm yết công ty lên sàn chứng khoán, bắt đầu phát hành cổ phiếu - hay gọi là IPO.
Tại sao lại IPO?
Về bản chất, IPO chỉ là một cách khác của việc kêu gọi đầu tư, nhưng lần này bạn có thể nhận tiền từ hàng triệu người. Thông qua việc IPO, công ty có thể bán cổ phần trên thị trường chứng khoán, và ai cũng có thể mua cổ phần của công ty bạn. Do đó, bạn có thể nhận được tiền đầu tư dễ dàng hơn thông qua việc bán bớt cổ phần, đây chính là lý do đầu tiên.
Lý do thứ hai, trước khi IPO, những người tham gia vào dự án của bạn, bao gồm cả bạn đều giữ những cổ phiếu giới hạn – restricted stock. Bạn không thể chỉ đơn giản mang những cổ phiếu này ra chợ và bán để lấy lại tiền, vì chúng chưa được chứng thực bởi cơ quan chức năng. IPO sẽ làm việc này. Vậy nên, trước khi được kiểm chứng, ai dám chắc những người mua cổ phiếu của bạn sẽ không bị lừa đảo. Chính nhờ IPO, bạn và các nhà đầu tư khác có thể bán, biến lượng cổ phiếu này thành tiền thật.
Ngoài ra còn có một nhóm người muốn bạn thực hiện việc IPO – những nhà ‘investment bankers’ - chuyên gia tư vấn tài chính và đầu tư - là những công ty trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng có uy tín. Họ sẽ gọi cho bạn, đề nghị được hỗ trợ cho bạn toàn bộ những thủ tục hành chính, giấy tờ liên quan đến IPO, chủ động liên hệ với những khách hàng tiềm năng và bán cổ phiếu giúp bạn. Tất nhiên, không ai làm không công cả, đổi lại, investment banker sẽ được hưởng 7% tổng giá trị bạn thu được thông qua IPO. Như trong infographic, startup của bạn raised được $235,000,000 trong đợt IPO, như vậy họ sẽ nhận được 7%, tức là khoảng $16.5 triệu.
Trở thành nhân viên đầu tiên của một startup
Cuối cùng, đã bao giờ bạn nhận được lời mời tham gia phát triển startup, và được hứa hẹn chia cổ phần chưa? Chắc rồi. Thông thường, ở thời điểm đầu của dự án, bạn không thể trả lương cao cho nhân viên được, ngoài ra còn cả những rủi ro cho nhân viên trong trường hợp công ty của bạn fail chẳng hạn. Vậy nên bạn đồng ý chia cho họ một tỉ lệ % nhất định, để họ làm việc cùng với bạn.
Và IPO chính là thời điểm đổi đời của người nhân viên đó.