"3 từ mô tả bản thân bạn là gì?" - câu hỏi tuyển dụng tưởng dễ mà khó, trả lời không xong đi tong cơ hội
Với câu hỏi này, không ít ứng viên khá dửng dưng cho rằng nhà tuyển dụng chỉ hỏi cho có lệ, sau đó liền tìm 3 từ "đao to búa lớn" nhất để trả lời cho xong. Đáng tiếc, hành động này đã góp phần khiến ứng viên mất đi cơ hội được vào công ty mình mơ ước.
Nếu muốn bước chân vào làm trong một công ty mà mình hằng ao ước thì buổi phỏng vấn là thử thách đầu tiên bắt buộc mỗi người phải vượt qua. Đại loại như ngoài chuẩn bị thật tốt về hồ sơ, chúng ta còn phải chuẩn bị tâm lý vững vàng để dễ dàng trả lời trót lọt các câu hỏi hóc búa của nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, chính vì suy nghĩ quá xa vời, tính toán quá cao siêu nên không ít người đã bỏ qua và xem thường các câu hỏi tưởng như chẳng có gì khó để trả lời, điển hình như: "3 từ chính xác nhất để mô tả về bản thân bạn là gì?".
Với câu hỏi trên, không ít ứng viên khá dửng dưng cho rằng nhà tuyển dụng chỉ hỏi cho có lệ, sau đó liền tìm 3 từ "đao to búa lớn" nhất để trả lời cho xong. Chẳng cần suy nghĩ, chẳng cần biết ý đồ đằng sau đó là gì. Sự thật rằng đây chính là câu hỏi khách quan nhất để nhà tuyển dụng có thể đánh giá mức độ tự tin, khả năng nhìn nhận năng lực bản thân, cũng như là sức mạnh tìm ẩn bên trong mỗi người.
Suzy Welch - tác giả, diễn giả, đồng thời cũng là một nhà báo nổi tiếng trong lĩnh vực kinh tế và quản lý nguồn nhân lực cho biết: "Dựa trên CV, sự tiến cử của người khác và phần phỏng vấn trước đó, nhà tuyển dụng đã đủ biết phần nào về kinh nghiệm và vốn kiến thức của ứng viên. Vì vậy, khi yêu cầu ứng viên tự mô tả bản thân bằng 3 từ, nhà tuyển dụng muốn xem mỗi cá nhân tự nhận thức về bản thân họ thế nào".
Và để giúp mỗi người trả lời thật tốt câu hỏi tưởng dễ mà không dễ này, Suzy Welch hướng dẫn như sau:
Từ thứ 1: Hãy mô tả khả năng hoạt động của tâm trí
Làm việc trong môi trường công sở, khả năng hoạt động của tâm trí chính là thứ ảnh hưởng trực tiếp để nâng suất và chất lượng công việc của mỗi người, vì thế nhà tuyển dụng rất chú trọng, thậm chí là cho thêm điểm cộng nếu ứng viên có thể dùng một từ tích cực nào đó để mô tả khả năng này của bản thân.
"Óc sáng tạo", "ham học hỏi", "tư duy linh hoạt", "khả năng bao quát công việc",... chính là một số từ mà Suzy Welch khuyên dùng. Tuyệt đối không được háo thắng quá mức mà nói ra những từ/cụm từ chuyên ngành khô khan và dong dài như "lắng nghe ý kiến khách hàng", "chú trọng kết quả công việc một cách triệt để",...
Từ thứ 2: Hãy bộc lộ tính cách tích cực
Nếu từ đầu tiên là thuộc về tư duy tâm trí - thứ được tôi luyện dựa trên kinh nghiệm làm việc, kinh nghiệm sống của mỗi người, thì đến từ thứ 2, các ứng viên nên tiết lộ tính cách tích cực của bản thân. Rõ hơn, ứng viên phải dùng từ gì đó để bộc lộ được bản chất tốt đẹp của mình như "trung thực", "tử tế", "kiên định", "bền bỉ",...
Bản chất gần với bản năng, chúng là thứ ở sâu thẳm bên trong mỗi người, không phải do rèn luyện mới có, chính vì điều này, nhà tuyển dụng cũng rất xem trọng để dựa vào đó đánh giá ứng viên.
Từ thứ 3: Cho phép bản thân mình thú vị
Thông thường nhiều người hay nghĩ, tính cách thú vị, vui nhộn chỉ là "nhân vật phụ" trong cuộc sống công sở, đặc biệt là trong mắt sếp, vì thế ở những buổi phỏng vấn rất hiếm khi các ứng viên dùng từ ngữ liên quan đến tính cách để mô tả bản thân mình. Thay vào đó, đa phần chỉ toàn tập trung "show" ra khả năng làm việc, sức mạnh tri thức với mong muốn được nhà tuyển dụng lựa chọn.
Tuy nhiên, điều này là sai lầm, bởi môi trường công sở ngoài công việc ra còn có các mối quan hệ xung quanh. Muốn được đồng nghiệp và sếp quý mến thì tài giỏi thôi chưa đủ, đôi khi cũng cần phải thú vị. Chính vì thế, Suzy Welch khuyên bạn nên dùng từ thứ 3 để mô tả bản thân mình thú vị như "tinh tế", "luôn nghĩ tích cực", "lạc quan", "khả năng liên kết tốt",...
Có một sự thật rằng, trong cuộc gặp gỡ phỏng vấn, mỗi câu nói, câu hỏi nhà tuyển dụng nói ra đều có mục đích và cũng đều quan trọng để đánh giá năng lực của các ứng viên. Chỉ cần trả lời sáo rỗng dù chỉ một câu thôi cũng đủ khiến cơ hội bước chân qua cánh cửa công ty của mỗi người trôi xa dần. Vậy nên hãy luôn cẩn trọng trong mỗi câu trả lời, đừng coi thường những câu hỏi tưởng chừng đơn giản như "3 từ chính xác nhất để mô tả về bản thân bạn là gì?". Chỉ cần làm theo chính xác những gì mà Suzy Welch hướng dẫn bên trên, biết đâu các ứng viên sẽ lọt vào "mắt xanh" của nhà tuyển dụng.