CEO tập đoàn tuyển dụng tiết lộ 3 bước "chữa cháy" khi trễ phỏng vấn, chị em công sở phải nhớ nếu muốn ghi điểm
850 nhà tuyển dụng đã cho thấy 'đi trễ' trong buổi phỏng vấn đầu tiên là một trong những yếu tố hàng đầu gây ảnh hưởng xấu đến ấn tượng của họ về ứng viên.
Nếu không kể đến những thông tin đã được đề cập trong CV cũng như những trao đổi sơ bộ thông qua điện thoại thì buổi phỏng vấn gặp mặt lần đầu tiên là cơ hội để các ứng viên có thể tạo được ấn tượng mạnh đối với nhà tuyển dụng. Để buổi phỏng vấn diễn ra một cách trơn tru và mang lại kết quả như mong muốn, bên cạnh những hiểu biết rõ ràng mà trước đó chị em đã có dịp tìm hiểu về công việc cũng như công ty mình ứng tuyển, việc đến đúng giờ hẹn hoặc sớm hơn một chút cũng chính là yếu tố ghi điểm tuyệt đối trong mắt nhà tuyển dụng. Khoảng thời gian 'vàng' để có mặt tại buổi phỏng vấn là 10 đến 15 phút trước giờ hẹn.
Một khảo sát được thực hiện với 850 nhà tuyển dụng đã cho thấy 'đi trễ' trong buổi phỏng vấn đầu tiên là một trong những yếu tố hàng đầu gây ảnh hưởng xấu đến ấn tượng của họ về ứng viên. Chắc hẳn 'đi trễ' là việc mà chẳng một ai mong muốn, tuy nhiên, nếu đã trót không đúng giờ trong buổi hẹn phỏng vấn, đâu là cách mà chị em có thể chữa cháy đồng thời tạo được ấn tượng về một ứng việc có lối ứng xử khôn ngoan, tinh tế trong mắt nhà tuyển dụng?Với vai trò là CEO của Tập đoàn tuyển dụng hàng đầu HR Strategy, Amy Polefrone đã tiết lộ một số bí quyết hay ho mà chị em có thể tham khảo:
1. Chủ động 'xin' thêm thời gian
Chắc hẳn chẳng ai muốn đi trễ trong buổi phỏng vấn đầu tiên, do đó, nếu tình huống đáng tiếc này xảy ra có chăng cũng là việc bất khả kháng. Vì vậy, hãy cố gắng hết sức có thể để giữ được bình tĩnh. Bởi lẽ, trong những tình huống khó khăn, chỉ có sự bình tĩnh mới giúp chị em đưa ra những quyết định khôn ngoan và đúng đắn.
Trong trường hợp này cũng vậy, nếu ước chừng mình không thể đến được cuộc hẹn đúng giờ, chị em hãy ngay lập tức liên lạc với nhà tuyển dụng để chia sẻ lý do, đồng thời hẹn lại một khung giờ chính xác và chắc chắn. Việc báo sớm và chân thành khiến nhà tuyển dụng dễ dàng thông cảm cho chị em hơn.Bởi lẽ, chẳng ai muốn mất thời gian và đánh rớt ngay một ứng viên chỉ vì lý do họ trót đi trễ.
Bên cạnh đó, khi đã trót đi trễ, chị em phải đảm bảo mọi việc tiếp theo sẽ được diễn ra một cách chỉn chu. Đừng đi trễ rồi còn xuất hiện với một bộ dạng hớt hãi, nhếch nhác. Hãy bình tĩnh và bỏ hết tâm lý bất ổn ở ngoài, bởi những thứ đó chỉ làm cuộc phỏng vấn trở nên tồi tệ hơn.
"Trong trường hợp này bạn hãy bình tĩnh và chủ động cho mình thêm thời gian. Bởi đi trễ vốn đã làm phiền nhà tuyển dụng, vì thế bạn nên hạn chế gây thêm phiền hà. Hãy nhắn tin báo trước cho họ kèm theo khoảng thời gian bạn sẽ đến, và chỉ gọi điện cho họ trong trường hợp không nhận được bất kỳ phản hồi nào trong vài phút" – Polefrone chia sẻ.
2. Xin lỗi và đừng viện lý do
Điều nhà tuyển dụng quan tâm trong một buổi phỏng vấn thường xoay quanh câu chuyện thái độ, kiến thức chuyên môn, năng lực làm việc cũng như kinh nghiệm thực tế. Việc đi trễ có thể khiến chị em mất điểm trong mắt nhà tuyển dụng nhưng đó chưa phải là tất cả. Vì thế, một khi đã đến trễ thì đừng việc lý do, bởi điều đó chỉ khiến chị em trở nên kém chuyên nghiệp và có vẻ thích đổ lỗi cho mọi chuyện. Đây mới chính là yếu tố mà nhà tuyển dụng nhìn nhận và đánh giá.
Nếu không được viện lý do thì việc đầu tiên cần làm là gì? Một lời xin lỗi chân thành vì đã làm ảnh hưởng đến tiến độ công việc của nhà tuyển dụng là đủ để cải thiện ấn tượng ban đầu. Còn nếu thật sự tồn tại những lý do mà chị em muốn nói cho nhà tuyển dụng biết thì cứ giải thích trong email cảm ơn sau buổi phỏng vấn. Và nhớ là chỉ cung cấp thông tin một cách đơn thuần, đừng biện cớ và cũng đừng chống chế. Nhà tuyển dụng đủ khôn ngoan cũng như giàu kinh nghiệm để biết đâu là những lời nói chân thành có sức thuyết phục.
Bà Polefrone tiết lộ: "Thật ra chúng tôi không quan tâm nguyên nhân, vì thực tế là bạn vẫn đến trễ. Đừng gây khó chịu và làm mất thêm thời gian để biện minh. Thay vào đó, hãy xin lỗi một cách chân thành rồi nhanh chóng tập trung vào trọng tâm của buổi phỏng vấn."
3. Vui lòng khi cuộc phỏng vấn bị dời
Hàng trăm ứng viên vẫn đang xếp hàng ngoài kia để chờ đến lượt mình được gặp trực tiếp và trao đổi với nhà tuyển dụng. Do đó, nếu cuộc hẹn bị dời, chị em hãy vui vẻ chấp nhận thay vì bực bội, bởi dù sao lỗi ban đầu không phải của một ai khác mà bắt nguồn từ chính bạn.
Hãy dành thêm quỹ thời gian quý giá ấy để chuẩn bị thật kỹ càng những thứ cần thiết. Sau đó, khi trở lại cuộc phỏng vấn, hãy giữ tinh thần thoải mái, tự tin và thái độ chân thành cầu tiến. Quan trọng nhất là hãy đảm bảo rằng mình sẽ có mặt đúng giờ vào lần hẹn sau.