Buổi phỏng vấn rất quan trọng vì nó giúp bạn thể hiện bản thân trước nhà tuyển dụng. Nhưng nếu không chuẩn bị kỹ trước hoặc không hiểu được ẩn ý của nhà tuyển dụng bạn sẽ nắm ngay “chiếc vé” ra về ngay sau đó.
Khi được yêu cầu giới thiệu về bản thân, bạn nên chọn lọc những ý chính và mang tính thông tin cần thiết nhất, tránh nói lan man, nói dài sẽ thành nói dở. Lúc này, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá được bạn có khả năng tổng hợp thông tin và khả năng trình bày hay không. Bạn nên giới thiệu về những kinh nghiệm liên quan nhất hoặc những hoạt động bạn từng tham gia tích cực cũng như để lại dấu ấn nhất. Có thể nói một ít về thành tích nổi bật mình đạt được để nâng cao năng lực của bản thân.
Điều bạn tự hào nhất về bản thân là gì?
Đây là lúc nhà tuyển dụng cho bạn cơ hội để trình bày khả năng ăn nói cũng như là những điểm mạnh của bản thân. Hãy trình bày thật ngắn gọn, súc tích cũng như là bao hàm khái quát được nội dung bạn muốn nói, đừng ngại ngùng mà không tận dụng thời gian ngắn ngủi này để marketing bản thân. Trưởng phòng nhân sự CareerLink chia sẻ, nên chú ý thái độ cũng như ngữ điệu của bạn, đừng dài dòng, tránh để nhà tuyển dụng nghĩ rằng bạn đang khoe khoang nhé.
Lí do vì sao rời bỏ công ty cũ?
Có kinh nghiệm đi làm là điều tốt, nhưng bạn cũng nên biết cách trình bày khéo léo lí do vì sao bạn không làm việc ở đó nữa. Thông qua câu hỏi này, nhà tuyển dụng sẽ xem xét mức độ gắn bó, trung thành với công ty cũng như một phần tính cách của bạn. Nếu bạn nói xấu sếp cũ hoặc chê bai công ty mình đã từng làm việc, có thể nhà tuyển dụng sẽ không đánh giá cao bạn, họ sẽ xem xét lại khi muốn nhận bạn vào làm việc. Vì vậy, hãy thật tinh tế và khéo léo, đừng để "mắc bẫy" này nhé.
Theo bạn nên chọn làm việc nhóm hay làm việc độc lập
Ở câu hỏi này bạn nên khẳng định rằng cả 2 cách làm việc đều quan trọng như nhau và nó phải có sự kết hợp nhất định. Đừng hướng bản thân nghiêng về một bên nào cả. Hãy cho nhà tuyển dụng biết rằng bạn có khả năng làm việc nhóm và độc lập đều tốt như nhau. Nhà tuyển dụng cần một nhân viên có thể sắp xếp và dung hòa cả 2 cách làm việc.
Hãy cho chúng tôi về mức lương bạn mong muốn?
Cần cẩn trọng với câu hỏi này, vì nếu bạn nói ra một mức lương cao, hay thấp ngay lúc này đều sẽ bị đánh giá là tự tin thái quá, không biết lượng sức mình hoặc bạn đã vô tình hạ thấp giá trị bản thân. Trong trường hợp này, bạn nên suy nghĩ thật kĩ vị trí công việc, môi trường của công ty cũng như khả năng hiện tại của bạn mà đưa ra lời đề nghị phù hợp. Tốt hơn hết, hãy xem thái độ, gợi ý và tính chất công việc mà nhà tuyển dụng cung cấp, đừng vội vàng đưa ra con số cụ thể tránh ảnh hưởng đến giá trị của bản thân.
Bạn có câu hỏi nào dành cho chúng tôi không?
Người thông minh, có tư duy sẽ biết đặt những câu hỏi khôn ngoan nhất dành cho nhà tuyển dụng. Hãy chọn những câu hỏi thể hiện bạn là một người có ý chí cầu tiến, muốn học hỏi và thực sự muốn được làm việc ở công ty. Bạn có thể hỏi những câu như: Những kỳ vọng mà công ty muốn ở một người nhân viên là gì?; Cơ hội học tập và phát triển của công ty dành cho nhân viên?... Hãy tinh tế và chọn sẵn cho mình những câu hỏi dành cho nhà tuyển dụng trước buổi phỏng vấn bạn nhé!
Việc bạn có được nhận vào công ty hay không là nhờ vào 80% ở buổi phỏng vấn. Bạn hãy chuẩn bị thật kỹ thông tin về công ty, sứ mệnh và tầm nhìn. Và hãy thể hiện sự quan tâm thật sự của bạn đến công ty, vị trí ứng tuyển và năng lực của bạn phù hợp với những gì mà công ty cần. Đồng thời đừng quên ngủ đủ giấc trước buổi phỏng vấn và để cho đầu óc thật thoải mái, tỉnh táo để nhận ra đâu là những câu hỏi "bẫy" mà nhà tuyển dụng dành cho mình nhé.