Youtube giờ không còn là nền tảng Social Media “sạch” : Bạn đồng ý hay không?
Với một nền tảng mà các nội dung Video được đăng lên khá thoải mái, cùng với đó là lượng người xem ấn tượng, thì Youtube đang là platform lớn thứ 2 trên thế giới. Những gì mà công cụ Social Media này đem lại cho thị trường là rất quyền năng, chính nó cũng làm thay đổi xu hướng xem video của con người. Thế nhưng, hiện nay đang xảy ra một vấn đề “nổi cộm” rằng nhiều người cảm giác nội dung trên Youtube dường như đang không còn chất lượng như trước kia.
Tại sao lại có ý kiến như thế này? Hãy cùng DKSoft đi phân tích 2 mặt tốt, xấu của nền tảng này hiện nay nhé.
Nội dung trên Youtube – Cần thắt chặt để “sạch” hay không? Nên thắt chặt nội dung trên Youtube
Một trong những điều mà người dùng hiện tại mong muốn nhất chính là thắt chặt nội dung từ Youtube. Bởi Youtube hiện giờ đang có lượng người tham gia đăng tải, sáng tạo nội dung vô cùng lớn. Kể từ khi YouTube bật chế độ kiếm tiền bằng video ở thị trường Việt Nam, tốc độ phát triển nội dung đăng tải video lên mạng lưới chia sẻ video lớn nhất thế giới này đã tăng trưởng rất mạnh, trong 1 năm qua, đã tăng tới 300% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, lượng người xem tăng 85%.
Lượng người Youtube tăng đột biến tại Việt Nam trong vòng 2 năm trở lại đây (Nguồn: Kenh14)
Thế nhưng, điều đáng nói ở đây chính là hiện nay rất nhiều người đang cảm thấy Youtube đang không còn là một nền tảng đáng tin cậy nữa. Trước đây khoảng 5 năm, số lượng Youtuber khá ít, và người thành công chỉ đếm trên đầu ngón tay. Người sở hữu kênh đạt nút bạc khoảng mấy chục người, còn nút vàng thì thực sự còn ít hơn, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Những Creator đó phải có nội dung độc và lạ, hoặc những ca sĩ có lượng fan hùng hậu cho nên họ mới có thể dành được thành tích đáng nể đó. Vậy nhưng đến năm 2018, và đầu năm nay thì Youtube đã có nhiều chuyển biến, 131 kênh đã đạt được nút vàng, thế nhưng những kênh đó thực sự đã chất lượng chưa thì người xem hiểu rõ nhất.
Các gương mặt hiện tượng Vlogger một thời (Nguồn: Youtube)
Nhiều trào lưu trên Youtube từ đó mà ra, nội dung trên Youtube được đánh giá “rác” hơn xưa rất nhiều. Nếu như quay về thời 2013, khi mà trào lưu làm Vlog mới du nhập vào Việt Nam. Jvevermind, Huy Smile, Phở đặc biệt là những cái tên đình đám, hot Vlogger đưa văn hóa này vào, tạo ra những video được xem là chất lượng, đem lại những kiến thức hết sức phù hợp với giới trẻ. Việc một thời, các Vlogger đó tạo ra được hiệu ứng rất tốt khi con số triệu Sub lúc đó là những con số “đáng mơ ước”, phản ánh đúng mức độ ảnh hưởng bởi nội dung chất lượng do mình tạo ra. Thì hiện nay, một kênh đạt triệu sub dường như người ta lại hoài nghi rằng, nội dung kênh đó là gì? Có thực sự chất lượng hay không. Những cái tên như Bà Tân, NTN, Ông Sáu, Thơ Nguyễn, Khá Bảnh…. mặc dù đạt được khá nhiều thành tựu, nhưng mức độ ảnh hưởng lại khá tiêu cực và tạo ra nhiều ý kiến thực sự trái chiều.
Hiện nay Bà Tân đang là xu hướng tại Việt Nam (Nguồn: Youtube)
Nội dung Youtube hiện nay, bị coi là nhảm bởi những thử thách “24 giờ làm chó”, “24 giờ sống trong nhà vệ sinh”… hay là những “thức ăn siêu to, siêu cay khổng lồ”, còn tệ hơn là những thử thách đi lại với chuẩn mực “sống xanh” hiện nay của đại bộ phận giới trẻ. Trong khi, mọi người đang đề cao những gì chất lượng, thế hệ Y và Z được coi như là thế hệ khó tính qua từng ngày. Thì nội dung Youtube đang bị thụt lùi về chất lượng, chính vì vậy, khi xem trên tường của mạng xã hội này, không nhiều người lắc đầu ngán ngẩm và muốn nội dung Youtube cần phải được dọn dẹp!
Không cần thắt chặt, gia tăng về số lượng tốt mà!
Một ý kiến khác lại cho rằng số lượng càng nhiều, thì lại càng có nhiều sự lựa chọn xem cho người dùng, nhất là thời điểm Youtube đã bật chế độ kiếm tiền cho Việt Nam, thì đây cũng là một nghề. Nó cũng sẽ giúp nhiều video về nhiều nội dung mới lạ được tạo lập ra! Chính thực trạng 1 tháng có hàng chục kênh được xác nhận đạt nút bạc và vàng, đủ để thấy Việt Nam đang có “sân chơi” sáng tạo nội dung Youtube cực kỳ sôi nổi.
(Nguồn: Dammio)
Nhiều người trẻ tại Việt Nam có suy nghĩ rằng, việc làm như vậy cũng giúp cho Youtube có nhiều kênh về nhiều khía cạnh khác nhau. Điển hình như, giang hồ thời đại 4.0, ngày trước mọi người chưa thấy được nhiều hình ảnh của thành phần này trong xã hội. Với cuộc đổ bộ của Youtube, thì mọi người thấy được Dương Minh Tuyền, Khá Bảnh… sống như thế nào, và thậm chí nó còn trở thành Viral có sức lan tỏa cực kỳ mạnh tác động đến giới trẻ. Gu ăn mặc, cách suy nghĩ, hay thậm chí “Múa Quạt” được tôn sùng đến mức nhiều người coi đó là “đặc sản” trong phong cách nhảy của Việt Nam có thể có thể cạnh tranh được với “cà giựt cà thọt” hay “Backpack kid” gây sốt cộng đồng mạng thế giới.
Chính tư tưởng như vậy, cũng như việc phổ biến Internet đã làm cho người sử dụng nền tảng này cũng tăng theo. Hiện nay Youtube đang là nền tảng phổ biến thứ 3 tại Việt Nam, chỉ sau Google và Facebook với 329,900 triệu người sử dụng trong năm qua. Hiện nay, thế hệ Z là từ 2000 trở đi, việc bộ phận này cũng đang nắm giữ nhiều tài khoản ở đây nhất, thế hệ này cũng rất dễ dàng trong việc tiếp nhận cái mới. Thêm vào đó, những gì họ tò mò đều có trên Google, nên việc họ muốn được thấy rõ hơn thông qua những Video là mấu chốt để nhiều người tạo ra nội dung cho họ. Chính vì vậy việc có nhiều nội dung không được “bình thường” cho lắm, nhưng vẫn có người xem là hoàn toàn dễ hiểu!
Thế hệ Z được cho là nguyên nhân chính tạo ra sự bùng nổ Youtube hiện nay (Nguồn: Kênh 14)
Việc trên Youtube, mọi người được thoải mái sử dụng ngôn từ “tục tĩu” cũng là một điểm mà người xem khác thích – điều mà trên truyền hình mainstream không hề được phép có. Những video dạng như vậy, làm cho mọi người cảm giác thân thuộc và thích thú xem hơn nhiều vì đôi khi có thể bạn sẽ thấy hoàn cảnh của mình trong đó. Các bố mẹ bỉm sữa cũng hiện chọn công cụ Youtube để dỗ dành các đứa trẻ của mình, cũng khiến những Youtuber làm nội dung liên quan đến trẻ em có cơ hội phát triển. Thế nhưng, việc không kiểm duyệt nội dung chặt chẽ khiến cho đôi khi nội dung truyền tải của những người này, lại lệch chuẩn cho trẻ em. Việc nhiều Youtuber đã bị bộ Thông tin – Truyền thông “sờ gáy” về những nội dung phản cảm cho trẻ em đã là một dấu hiệu cho thấy việc có nhiều nội dung hơn chưa chắc đã là tốt hơn!
Tạm kết
Trên đây là 2 ý kiến hiện nay khá phổ biến trên thị trường với đại đa số người sử dụng Internet về vấn đề Nội dung trên Youtube. Thắt chặt kiểm duyệt nội dung, có thể làm cho mọi người cảm thấy những nội dung mình xem chất lượng hơn, khiến đây trở lại là một nền tảng “sạch” hơn. Thế nhưng, để nhiều nội dung hơn lại là điều khiến Youtube đa dạng và tự do như chính bản chất ban đầu của nó, cũng như đây là cơ hội kiếm tiền của nhiều người khi tiền từ quảng cáo trên Youtube là rất hấp dẫn. Còn bạn nghĩ sao về vấn đề này, hãy cho DKSoft ý kiến nhé?