Giải mã thành công chiến lược marketing của Zalo

Là một trong những ứng dụng nhắn tin và gọi điện “made in Việt Nam” của tập đoàn VNG, Zalo ngày càng được nhiều người sử dụng và nâng cao hình ảnh thương hiệu của mình trong lòng người dùng Việt Nam. Không những vậy, Zalo còn đón nhận những phản hồi tích cực từ cộng đồng người dùng vì tính địa phương hóa cao, nhắm vào những nhu cầu thiết thực của người dùng tại Việt Nam. Vậy những yếu tố gì đã làm nên sự thành công trong chiến lược marketing của Zalo? Hãy cùng theo dõi bài phân tích sau đây.
Tổng quan về Zalo
Zalo theo cách hiểu trực quan nhất là ứng dụng nhắn tin, gọi điện miễn phí hướng tới thị trường Việt Nam hoạt động trên nền tảng di động (Ứng dụng OTP) tương tự như Viber, Whatapp, Line, Wechat,… Zalo được phát triển bởi công ty VNG và ra mắt phiên bản đầu tiên vào ngày 8/8/2012. Tuy nhiên, tại thời điểm ban đầu, Zalo không gây được sự chú ý với người sử dụng tại Việt Nam.

Sau này, do có những lợi thế so với các ứng dụng cùng loại khác như tương thích với chất lượng mạng ở Việt Nam nên đạt được tốc độ nhắn tin, gọi thoại nhanh, liên tục được cải tiến, cộng thêm sự đầu tư bài bản cho tiếp thị, Zalo nhanh chóng đạt được sự bứt phá và đến tháng 8/2017, Zalo đạt được con số 80 triệu người dùng, lớn hơn số người dùng Facebook tại nước ta.



Phân tích chiến lược marketing của Zalo
Với định hình thương hiệu như trên, Zalo cần phải làm gì để soán ngôi “quán quân” tại thị trường Việt Nam? Hãy cùng đi vào tìm hiểu sâu hơn về chiến lược marketing của Zalo – ứng dụng nhắn tin và gọi điện hàng đầu Việt Nam để xem Zalo có những “chiêu thức” lấy lòng người dùng Việt như thế nào nhé.

Tập trung xây dựng và khẳng định thương hiệu Việt
Một ứng dụng nhắn tin thuần Việt được quảng bá dày đặc và vượt trội so với những tên tuổi sừng sỏ của thế giới như Line, Kakao Talk là một hiện tượng lạ về ứng dụng nhắn tin tại Việt Nam. Vì sao Zalo lại dẫn điểm khi các đối thủ là tập đoàn nước ngoài có tiềm lực tài chính lớn hơn nhiều? Chiến lược marketing của Zalo có điểm nhấn gì đáng chú ý để vượt mặt các đối thủ “ngoại lai”?

Zalo quảng bá tốt hơn đối thủ nhờ hình ảnh thân thiện và một câu chuyện đáng nhớ. Các chuyên gia về truyền thông này cho rằng điểm quan trọng khiến ứng dụng nhắn tin thuần Việt ghi dấu ấn đậm nét trong công chúng là một câu chuyện cổ tích về công nghệ cao, hiếm khi xảy ra ở Việt Nam.



Điểm đáng nói về các chiến lược marketing của Zalo đó là thương hiệu luôn tạo ra sự khác biệt với những đặc điểm của một sản phẩm thuần Việt, với văn hóa và nội dung đậm chất Việt Nam khi sử dụng. Điều này diễn ra trong bối cảnh người dùng vừa phát hiện một ứng dụng nhắn tin miễn phí của Trung Quốc có tích hợp bản đồ “Đường lưỡi bò” sẽ tác động đến tinh thần dân tộc của người dùng.

Một sản phẩm Việt đã được chứng nhận về chất lượng (vị trí số 1 trên App Store), mang đậm hồn Việt, do người Việt làm ra thì tại sao lại chọn ứng dụng nước ngoài là thông điệp mà người dùng có thể cảm nhận được một cách dễ dàng? Nói cách khác, chiến lược marketing của Zalo hòa cùng với niềm tự hào dân tộc để thuyết phục người dùng trong nước sử dụng sản phẩm của mình.

Trước các đối thủ mạnh mẽ như Viber, Facebook Messenger,… việc nắm lấy điểm mấu chốt là khẳng định thương hiệu Việt để tấn công vào tâm lý của người Việt quả là một chiêu thức đúng đắn.



Tích cực tổ chức sự kiện
Zalo là thương hiệu rất “chăm” tổ chức các sự kiện về công nghệ. Điển hình như ngày 21/12/2017 vừa qua, sự kiện Zalo AI Summit – được biết là hội thảo chuyên nghiệp đầu tiên về AI tại Việt Nam, diễn ra đã gây được ấn tượng với đông đảo mọi người, đặc biệt là với người yêu thích công nghệ. Qua sự kiện, ông Vương Quang Khải, lãnh đạo của Zalo có gửi gắm: “Chúng ta đã được nghe nói đến ứng dụng của A.I từ những thứ rất nhỏ như chụp ảnh đẹp trên smartphone, hay câu chuyện về xe tự lái của nhiều năm trước. Khải nghĩ rằng AI sẽ là làn sóng mới, thay đổi hoàn toàn bộ mặt của các nền kinh tế. Đó là thách thức cũng như cơ hội. Lịch sử đã quá nhiều câu chuyện như Yahoo! hay AOL. Kẻ nắm bắt cơ hội sẽ sống sót và ngược lại”.



Bên cạnh đó, Zalo còn thường xuyên tổ chức các cuộc thi để thu hút các bạn trẻ. Ví dụ như Zalo Hackathon – hoạt động do Zalo tổ chức nhằm tạo điều kiện cho các bạn trẻ đam mê lập trình được trải nghiệm một cuộc thi thật sự xứng tầm. Được thử thách với những bài toán hóc búa, có tính thực tiễn cao và đúng xu hướng của thế giới như: AI, AR, Chatbot, Mobile sensors & tracking, Music.

Qua đó, có thể thấy, Zalo luôn muốn kết nối, gắn kết nhiều hơn với khách hàng, với công chúng, trở thành một thương hiệu gần gũi, có vị trí cao trong lòng cộng đồng.



Người nổi tiếng
Từ năm 2014, hình ảnh của Zalo cũng bắt đầu có hiệu ứng mạnh hơn với việc có hàng loạt người nổi tiếng (cặp đôi Chi Pu – Cường Seven, hot girl Andrea, nữ hoàng nội y Ngọc Trinh, hoa hậu Mai Phương Thúy, ông hoàng nhạc sến Đàm Vĩnh Hưng…) và những người nổi tiếng đang “hot” thời điểm đó… sử dụng, cũng như nói về ứng dụng này trên mạng xã hội, các phương tiện truyền thông.

Zalo còn liên tiếp tổ chức các buổi họp mặt fan club của những người nổi tiếng như Hồ Ngọc Hà, Đàm Vĩnh Hưng, nhóm 365, Đông Nhi – Ông Cao Thắng để quảng bá hình ảnh của mình. Việc sử dụng hàng loạt người nổi tiếng và nhân vật có ảnh hưởng một cách khôn khéo cũng là tác nhân quan trọng tạo nên hiệu ứng lan truyền trong cộng đồng người dùng.

Zalo cũng tung ra các video có gương mặt của người nổi tiếng để thu hút sự quan tâm của công chúng hơn:

TVC quảng cáo
Cuối năm 2014 là thời điểm bùng nổ chi tiêu cho chiến lược marketing của Zalo. Quảng cáo của Zalo – Sức mạnh giọng nói đã đánh trúng tâm lý để gây thiện cảm, tạo cảm xúc cho người Việt. Không ít khán giả khi xem quảng cáo đó đều thừa nhận có những xúc động trong lòng và có ấn tượng tốt với thương hiệu này.

Năm 2015, TVC quảng cáo của Zalo vẫn tiếp tục tấn công vào khía cạnh tình cảm gia đình.

Hoạt động tích cực trên mạng xã hội
Ngoài ra, Zalo hoạt động khá tích cực trên các trang mạng xã hội, đặc biệt là Facebook. Zalo cũng thường xuyên thực hiện các chương trình tri ân, đem lại lợi ích cho khách hàng



Tạo trào lưu viral trên mạng xã hội
Tháng 2/2017, Zalo từng tạo ra trào lưu vô cùng thích thú: Bí kíp tạo ảnh “vịt lộn, vịt dữa, cút lộn” chỉ trong tích tắc cùng Zalo. Ngay lập tức, hashtag #zalo #vitlon xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội.



Ngay sau đó, Zalo lại tiếp tục gây sốt cộng đồng mạng với trào lưu #Splitview #Challenge. #Splitview là thử thách chụp ảnh ghép đôi tương tác, buộc người tham gia phải gọi video cho bạn bè, người yêu và tạo ra một bức ảnh tương tác. Đó có thể là cùng tạo ra một khuôn mặt, hoặc mặt người này thân hình người kia hay chỉ đơn giản là cùng làm một động tác giống nhau trên cùng một góc máy.



Zalo cũng từng xuất hiện trong MV “Thấy là yêu thương” của Only C – MV hiện đã có gần 20 triệu lượt xem. Sự hiện diện của ứng dụng Zalo trong MV ca nhạc này đã tạo hiệu ứng khá thích thú và ấn tượng với người xem.

Kết luận
Có thể thấy các chiến lược marketing của Zalo được thực hiện đa dạng để ngày một khẳng định thương hiệu trong lĩnh vực OTT. Hãy cùng đón chờ xem  Zalo – “câu chuyện cổ tích” về làng công nghệ Việt liệu sắp tới sẽ tung ra những chiêu thức gì khi cạnh tranh với “hàng ngoại” như Line, Kakao Talk, Viber,…?

Mục Tiêu Của DKSOFT : Liên Tục Nghiên Cứu Đổi Mới Để Đưa Ra Những Sản Phẩm Công Nghệ.

Những giải pháp trực tuyến hiệu quả nhất, tốt nhất và đem lại cho khách hàng những dịch vụ tối ưu nhất.